Cải cách tiền lương giáo viên mầm non

Bài viết nổi bật

CHÍNH SÁCH.- Đề nghị thay đổi hệ số lương, hoặc rút bớt các bậc lương. Tại cuộc hội thảo về cải cách tiền lương cho đội ngũ giáo viên vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, cho biết hiện công đoàn ngành đang tiếp tục khẩn trương hoàn thành đề án cải cách tiền lương cho ngành giáo dục.

Chế độ tiền lương hiện hành còn nhiều hạn chế

Theo chế độ tiền lương đang được áp dụng hiện nay, lương giáo viên bị ép vào 7 ngạch lương mà chỉ có một ngạch cao cấp: giáo sư là ngang hàng với ngạch cao cấp của các ngành khác (như hành chính, y tế, tài chính). Lương giáo viên trung học cấp cao của ba ngành THPT, THCN, dạy nghề đều kém hơn ngạch chính của các ngành khác, như bậc 1 giáo viên cấp cao: 3,07, bác sĩ chính: 3,35, kế toán viên chính: 3,26. Thêm vào đó, hệ số chênh lệch giữa bậc 1 và bậc 2 của ngạch giáo viên trung học quá thấp 1,86 – 1,78 = 0,08. Trong toàn bộ hệ thống lương của Nhà nước chưa có trường hợp nào mức chênh lệch giữa hai bậc lương lại thấp đến mức sau 3 năm phấn đấu để được tăng 1 bậc lương, với hệ số 0,08 tính ra tiền chỉ được 16.000 đồng. Đối với lương giáo viên tiểu học, do có đến tận 16 bậc nên có tình trạng ba bậc cuối được coi là những “bậc lương treo”, tức là chỉ rất ít giáo viên được lãnh lương ở bậc này (bậc 14 – 0,4%, bậc 15 – 0,2% và bậc 16 – 0,1%).

Cả nước hiện đang có gần 143.000 giáo viên mầm non, tuy nhiên chỉ có hơn 47.500 người thuộc biên chế Nhà nước và được hưởng lương từ ngân sách, số còn lại (khoảng 66,7%), ngoài biên chế. Toàn bộ số giáo viên này đều gặp hai vấn đề hết sức bức xúc là thu nhập thấp và không ổn định: Gần 80% số giáo viên này có trợ cấp dưới lương tối thiểu với mức 187.000 đồng/tháng, thấp nhất là tại Tuyên Quang: 81.000 đồng/tháng.

Ba năm tăng lương một lần – không hợp lý?

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn đã nêu lên hai phương án cải cách tiền lương mới. Phương án thứ nhất, cơ bản vẫn giữ bậc lương cũ với 12 ngạch, 13 bậc nhưng thay đổi hệ số lương của các bậc đó, bảo đảm tiền lương và phụ cấp được cải tiến, khắc phục được các bất hợp lý của thang bảng lương hiện nay. Giáo viên vẫn có phụ cấp chung như mọi cán bộ-công chức hành chính sự nghiệp khác, ngoài ra còn có phụ cấp thâm niên giáo dục từ 5% đến 20%. Phương án thứ hai, được thực hiện theo hướng vẫn có thang bảng lương chung như mọi ngành, nhưng điều chỉnh rút bớt số bậc. Cụ thể, loại C (sơ cấp) từ 16 xuống còn 14 bậc, nhóm ngạch loại B (trung cấp) từ 16 bậc xuống 13 bậc, loại B1 (cao đẳng) từ 16 bậc xuống 12 bậc để tránh tình trạng nhiều bậc lương trở thành “lương treo” như hiện nay. Phương án này cũng mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, phụ cấp cho giáo viên các trường chuyên biệt, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Ông Lê Văn Phớt, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng việc 3 năm nâng lương một lần là hết sức cứng nhắc. Ông Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng tỏ ý đồng tình với quan điểm này khi cho rằng phương án này không đánh giá được hiệu quả công việc. Cứ 3 năm mới được tăng lương một lần thì đến khi về hưu, giáo viên chỉ mới đạt mức lương tương đối trong bảng lương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *