Cái giá lạnh của những ngày đông như xé vào da vào thịt tại những tỉnh vùng núi những ngày đông đến, dù cho cái lạnh ấy như thế nào thì các em học sinh vẫn đi học nhưng điều đáng nói ở đây chính là điều kiện học tập khó khăn nhưng không đơn thuần là thời tiết ảnh hưởng mà còn cả điều kiện trường lớp nữa. Tại tỉnh Thanh Hóa, ở một số xã biên giới giáp với nước bạn Lào mỗi khi tiết trời sang đông là cả vùng núi như chìm trong cái lạnh tê tái. Hàng trăm học sinh phải ngồi học trong phòng tranh tre, nứa lá trong cái rét buốt thấu da thịt.
Chúng tôi đến xã Tam Thanh (xã vùng biên giáp nước bạn Lào) thuộc huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) trong một ngày cuối năm. Cái lạnh giá đã bao trùm toàn bộ vùng núi rừng nơi biên giới.
Điểm đặt chân đầu tiên của chúng tôi là khu Ngàm thuộc bản Ngàm. Khoảng cách từ khu Ngàm đến trung tâm xã Tam Thanh chỉ khoảng 3,5km nhưng con đường với những khúc cua tay áo, dốc trơn trượt khiến người đi phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới vào đến nơi.
Nhìn ngôi nhà tranh, tre, nứa lá và khoảng sân lầy lội, không giống với một trường mầm non mà giống với một lán trại được dựng lên ở một công trường.
Khu Ngàm với 61 học sinh, có 5 phòng học tranh tre đã xuống cấp không thể ngăn nổi cái lạnh lúc đông về, 24 bộ bàn ghế được các phụ huynh làm bằng gỗ rừng cũng đã đến lúc xập xệ.
Học sinh ở đây hầu hết là người dân tộc Thái. Hiện tại, bản Ngàm đã có điện thắp sáng, nhưng khu Ngàm dành cho học mầm non lại chưa có điện chiếu sáng nên dẫn đến việc nóng bức vào mùa hè, thiếu ánh sáng vào mùa đông. Trường còn chưa kiên cố nói gì tới việc có đầy đủ trang thiết bị mầm non như bao trường học miền xuôi.
Ngoài điểm trường bản Ngàm, một số khu khác của trẻ mầm non nơi đây gồm hàng trăm cháu như khu Mò, khu Pa… cũng chung cảnh ngộ với những căn nhà tranh tre nứa lá do phụ huynh dựng lên, điện sáng cũng chưa có.
Năm học 2016-2017, Tam Thanh có gần 300 trẻ mầm non ở 7 khu lẻ phải ngồi học sinh cảnh mùa đông gió rít từng hồi, cái lạnh buốt thấu tận da thịt.
Các phòng học tranh tre nứa lá của nhà trường đều do phụ huynh học sinh, người dân địa phương đóng góp như luồng, vầu, nứa, lá kè, lá cọ dựng lên.
Cô giáo Vi Thị Diêm cho biết: “Mùa đông ở miền núi trời rất lạnh, nếu có đợt nào lạnh quá sẽ buộc phải cho học sinh nghỉ học. Những hôm trời lạnh hoặc có sương muối chúng tôi buộc phải kiếm củi để đốt lửa sưởi ấm cho học sinh. Học sinh ở đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về quần áo ấm trong mùa đông. Để giữ ấm cho học sinh cô giáo chỉ còn biết cách đốt lửa sưởi ấm”.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh – cô Hà Thị Tiếp cũng ngậm ngùi khi kể về những ngày cái lạnh giá bủa vây các bản, để học sinh không phải nghỉ học, cô giáo phải cử nhau đi nhặt củi để đốt lửa sưởi ấm cho học sinh. Do trường làm bằng tranh tre gỗ dễ cháy nên các cô không dám đốt lửa trong nhà mà phải mang củi ra ngoài sân để đốt.
Cô Tiếp bộc bạch ước mơ bình dị của mình rằng, chỉ mong có bức tường ngăn để gió đỡ lùa vào, mong có sân chơi bằng bê tông để trời mưa những đứa trẻ chân trần không còn bì bõm lội bùn nữa.
Được biết, năm học 2017-2018, tỉnh Thanh Hóa có 671 trường Mầm non, nhưng mới chỉ có trên 3.800 phòng học kiên cố, 1.075 phòng học bán kiên cố, 483 phòng học mượn và 966 phòng học tranh tre, nứa lá. Như vậy, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 1.404 phòng học mầm non. Những địa phương thiếu phòng học mầm non chủ yếu tại các khu vực miền núi.
Blogmamnon.net sưu tầm