chọn trường mầm non cho bé

Công thức H-P-G chọn trường mẫu giáo cho bé

Bài viết nổi bật Tin tức mầm non
Chọn trường mẫu giáo cho con có lẽ là thử thách khiến nhiều bố mẹ “phát khùng” nhất, bởi vì suy nghĩ quá nhiều, bởi vì nâng lên đặt xuống vô vàn những lựa chọn, để rồi cuối cùng vẫn phải gửi con đi học với bao nhiêu lo lắng, bộn bề.

Tháng 7 nắng như đổ lửa cũng là lúc các mẹ tranh thủ giờ nghỉ trưa, giờ tan sớm tất tả tham quan các trường để chọn cho con ngôi trường đầu tiên đủ tin cậy. Giáo dục sớm? Montessori? Giáo dục kiểu Nhật? Tự lập như trẻ Mỹ? Học song ngữ?… là những “chiêu thức” quảng cáo, tuyển sinh của hầu hết các trường mầm non tư thục hiện nay, điều này khiến các bố mẹ lạc vào một ma trận khi có nhu cầu tìm hiểu trường tốt cho con. Với quan niệm, giai đoạn 0 – 6 tuổi là giai đoạn “cửa sổ vàng” đóng vai trò quan trọng trong hình thành tư duy, tính cách, tâm hồn của trẻ, nên việc lựa chọn trường mẫu giáo cho con càng khiến các bố mẹ đau đầu, vật vã, bởi vì một yếu tố khác nữa, đó là đi cùng với những chương trình học “tiên tiến” là mức học phí không nhỏ, khoảng trên dưới 5 triệu đồng/ tháng cùng nhiều khoản phí khác. Vậy trường mầm non “chất lượng cao” có phải là một tiêu chí giúp các bố mẹ dễ dàng chọn được ngôi trường tin cậy và an toàn để gửi gắm các con trong những năm đầu đời?

Học phí – tiêu chí đầu tiên vô cùng quan trọng

Ưu thế của các trường mầm non công lập là học phí rẻ. Tuy nhiên, đa phần các trường mầm non công lập ở Hà Nội hiện nay chỉ tiêu không đủ so với nhu cầu thực tế. Nhiều trường phải tổ chức bốc thăm, thậm chí là bốc thăm hai lượt để quyết định những gia đình “may mắn” được gửi con. Đúng tuyến còn không có suất đừng nói đến trái tuyến. Bé mới đi học, quấy khóc nhiều nhưng một lớp 40 – 50 bé chỉ có 2 – 3 cô giáo, muốn quan tâm từng con là điều không thể.

Chưa kể phải đủ 2 tuổi trường mới nhận vào lớp nhà trẻ. Trong khi đó nhiều gia đình có nhu cầu gửi con đến trường từ khi 12 tháng tuổi, thậm chí sớm hơn lúc mẹ hết kì nghỉ thai sản. Vì thế, các trường ngoài công lập luôn là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều bố mẹ.

Một yếu tố quan trọng khác cho xu thế lựa chọn mầm non tư thục chất lượng cao là các bố mẹ trẻ ngày càng đánh giá cao vai trò môi trường giáo dục đầu đời của con. Dù điều kiện tài chính hạn chế nhưng nhiều nhà không tiếc tiền gửi con vào các trường được quảng cáo có phương pháp giáo dục tiên tiến, với hy vọng sớm “đánh thức” trí thông minh hay năng khiếu tiềm ẩn của con, từ đó tạo đà phát triển tốt sau này.

Mặc dù thu nhập một tháng chỉ 9 triệu đồng/tháng lại là mẹ đơn thân nhiều khó khăn, chị Hà Thu vẫn cố xoay xở để cho con vào học một trường tư thục theo phương pháp Montessori trên đường Trương Định (Hà Nội) với mức phí 4 triệu đồng/tháng. “Trường công ở phường rất đông, lớp 50 bé mà chỉ có hai cô phụ trách, các cô giáo dù tốt đến mấy cũng khó quan tâm chăm sóc sát sao đến các con. Ở đây lớp con mình 15 bé mà có ba cô giáo chăm sóc. Các cô lại rất tôn trọng các con, không có chuyện áp đặt như ép ăn hay phạt khi chưa tập trung học hoặc ngủ trưa muộn. Sau 6 tháng học mình thấy con tự lập, thích đến trường, chơi rất tốt các trò chơi thông minh như thả hình, xếp hình khối” – chị Thu cho biết.

Nắm được tâm lý đó, các trường mầm non tư thục thường chọn cho mình một phương pháp giáo dục đặc trưng, đang được các mẹ ưa chuộng. Thịnh hành nhất có lẽ là các trường theo phương pháp Montessori với hệ thống trường mầm non Thần Đồng Bright School (Q.Hoàn Kiếm và P.Văn Quán), Little Sol Montessori (có tới 4 cơ sở)…; Các trường theo hướng giáo dục sớm với chương trình kết hợp nhiều môn học về tư duy, ngôn ngữ như mầm non Vinschool, mầm non IQ (Q.Hà Đông), mầm non song ngữ Eduplay (đường Khuất Duy Tiến)…; Các trường áp dụng phương pháp giáo dục kiểu Nhật như mầm non Tomoe (P.Trung Hòa), hệ thống mầm non Fuji, hệ thống mầm non Tsubaki…; Các trường áp dụng phương pháp kiểu Mỹ: Hệ thống Bees’ Education, Mầm non Green Kids…

Trên dưới 5 triệu đồng/tháng có thể coi là mức phí trung bình của các trường mầm non tư thục có yếu tố “tiên tiến” tại Hà Nội hiện nay, trong đó mức học phí dao động từ khoảng 3 – 4,5 triệu đồng, tiền ăn từ 40.000 – 55.000 đồng/ngày, ngoài ra còn các khoản phí sự kiện/ngoại khóa, phí học cụ khoảng 2 – 3 triệu đồng/năm mỗi khoản. Con số này cũng nằm trong khả năng chi trả của những gia đình trẻ mà thu nhập của vợ/chồng từ khoảng 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Phương pháp giáo dục – Tiêu chí tạo nên sự khác biệt

Giữa nhiều phương pháp giáo dục mà phương pháp nào nghe mô tả thì cũng rất “tiến bộ” và ưu việt, các mẹ dễ bối rối và băn khoăn. Chưa kể từ lý thuyết cho đến thực tế áp dụng còn phụ thuộc nhiều điều kiện như cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục mầm non, trình độ quản lý và trình độ giáo viên.

Ví như phương pháp Montessori rất thịnh hành trong nhiều năm gần đây, được nhiều trường áp dụng. Phương pháp này tôn trọng tính riêng biệt của từng bé nên phương pháp dạy học tiếp cận thông qua việc giới thiệu, sử dụng các giáo cụ chuyên biệt phù hợp với đặc điểm và sự phát triển riêng của từng bé.

Cũng vì thế để áp dụng tốt phương pháp này phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo về Montessori, phải có phòng học rộng và phải có học cụ đầy đủ, phong phú đa dạng. Đáp ứng những điều kiện này đều không dễ và đòi hỏi những chi phí lớn nên nhiều trường dù mang danh Montessori nhưng thực tế diện tích phòng, học cụ không phù hợp, vì thế không hiệu quả. Có nhiều trường diện tích chỉ vài trăm mét vuông trong một căn nhà liền kề hay một tầng lầu, đến giờ Montessori thì cô lấy bộ đạo cụ ra làm mẫu rồi cho từng bé lần lượt làm theo. Vậy nên nếu muốn chọn trường Montessori cho con, các mẹ cần đến tận nơi tham quan lớp học, tìm hiểu về giáo viên (có chứng chỉ Montessori quốc tế không).

Có độ “hot” không kém là các trường theo hướng giáo dục sớm với phương châm tận dụng giai đoạn “cửa sổ vàng” (từ 0 – 6 tuổi) là giai đoạn có khả năng phát triển não bộ tốt nhất. Trường mầm non IQ (Q.Hà Đông) là một trong những trường đang đi theo xu hướng này. Đến đây, bạn hẳn cũng sẽ choáng váng khi thấy các bé 3-4 tuổi có thể nhìn bảng đọc dõng dạc dòng chữ tiếng Anh rất ấn tượng hay sớm biết đọc biết viết.

Nhưng để có những kết quả như thế, các nội dung học được xếp khá kín trong thời gian biểu, đòi hỏi các bé phải có khả năng tập trung nhất định. Lớp 24 – 36 tháng, ngoại trừ 30 phút vui chơi ngoài trời buổi sáng, mỗi ngày có đến 6 nội dung học khác nhau xoay quanh tiếng Anh (15 phút buổi sáng và 30 phút buổi chiều), giáo dục thể chất, thơ văn, Toán, tạo hình, âm nhạc… Để đảm bảo theo được chương trình, trường tổ chức kiểm tra đánh giá các bé trước khi nhận vào trường. Nhiều giáo trình giáo dục sớm hiện nay là sự kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như chương trình Ibaby của công ty Trịnh Gia được giới thiệu là “tích hợp từ các các phương pháp giáo dục ưu việt như Shichida, Montessori, Glenn Doman theo hướng phù hợp cho trẻ em Việt Nam”. Nhưng vì còn quá mới nên phù hợp đến đâu và hiệu quả thế nào thì rất khó đánh giá.

Các chương trình song ngữ cũng được các mẹ rất quan tâm. Nhưng có một thực tế là mức lương trả cho giáo viên mầm non bản xứ thường rất cao, nên để đảm bảo mức học phí dưới 5 triệu, các trường thường chỉ mời giáo viên bản xứ đứng tiết tiếng Anh (khoảng 30 phút/ ngày). Thời gian còn lại là giáo viên Việt Nam. Như hệ Song ngữ của Little Sol Montessori (3,8 – 4,2 triệu đồng/tháng) kết hợp giáo viên Việt Nam và bản xứ. Trường Song ngữ Eduplay Garden (áp dụng mức 4,9 triệu đồng/tháng đến hết năm 2016) có chương trình khá thú vị là mỗi lớp sử dụng 2 phòng học tiếng Việt và tiếng Anh. Nửa ngày học lớp cô giáo tiếng Việt phụ trách, nửa ngày giáo viên nước ngoài, sử dụng hoàn toàn tiếng Anh. Thế nhưng cũng do vấn đề chi phí nên giáo viên tiếng Anh của trường là người Philippines, không phải giáo viên bản xứ.

Cùng với sự thịnh hành của các cuốn sách cho con ăn/dạy con kiểu Nhật là sự ra đời của các trường mầm non theo phương pháp Nhật Bản. Đặc trưng của phương pháp này là coi trọng phát triển EQ – trí thông minh cảm xúc và thể chất. Mầm non Tsubaki do TS. Nguyễn Thị Thu đồng sáng lập từ những kinh nghiệm nhiều năm sống và làm việc tại Nhật. Đọc sách Ehon là một trong những hoạt động được chú trọng trong chương trình, bản thân chị Thu là dịch giả của nhiều cuốn Ehon đã phát hành tại Việt Nam. Trường cũng thường tổ chức các hoạt động tập thể, mang tính khám phá như cắm trại tại trường để các bé thêm kết nối với bạn bè, cô giáo trong quá trình khám phá các kỹ năng. Mầm non Fuji thì dành diện tích lớn cho các dụng cụ phát triển thể chất với quan điểm nhờ đó bé sẽ khỏe mạnh, vui tươi và ít ốm vặt.

Gia đình và giáo viên – Hai tiêu chí không thể tách rời

Theo chị Mai Anh (Phó Hiệu trưởng một trường mầm non chất lượng cao tại đường N.C.T, Hà Nội) thì các mẹ không nên quá căng thẳng khi chọn trường cho con: “Montessori, Glenn Doman, Shichida hay Reggio Emilia… thì cuối cùng vẫn chỉ là phương pháp tiếp cận. Một đứa trẻ có thể học một điều theo nhiều cách khác nhau và không hẳn cứ cho con theo những phương pháp này mới giúp con phát triển tốt nhất. Như nhiều bài tập của Montessori giúp phát triển kỹ năng cầm nắm đồ vật, sự khéo léo nhưng những hoạt động hằng ngày ở nhà giữa mẹ và con cũng giúp bé phát triển tốt kỹ năng này. Điều quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ dành thời gian cho con. Những phương pháp kia chỉ trở nên tối quan trọng với những phụ huynh không có thời gian dành cho con!”.

Việc quá tin vào quảng cáo của trường về các phương pháp giáo dục ưu việt dễ khiến các mẹ vô tình đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, chờ đợi những dấu hiệu cho thấy con mình phát triển vượt trội và thất vọng khi con không đạt được điều đó. Các mẹ đặt hết niềm tin vào trường mà bỏ qua vai trò đồng hành của mình trong quá trình phát triển của con.

Và thực tế là ngay cả những trường mầm non “chất lượng cao”, mức học phí không hề nhỏ những vẫn xảy ra những lùm xùm giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường. Như việc một nhóm phụ huynh trường LSM cơ sở 3 (Mỗ Lao – Q.Hà Đông) đã gửi đơn kiến nghị trường về việc con bị cô giáo đánh với nhiều vết bầm tím và cô thiếu kỹ năng sư phạm tối thiểu như dạy trẻ đi vệ sinh, thường xuyên phạt bé hay không có học cụ theo đúng lý thuyết Montessori… Chị H.Y, phụ huynh có con học trong lớp xảy ra vụ việc đã quyết định chuyển trường cho con sau đó. Đó chính là lý do vì sao, chất lượng giáo viên luôn là một tiêu chí bố mẹ cần phải xem xét kĩ khi đi tìm hiểu trường cho con.

BÀi viết được đăng tải tại Blog Mầm Non – Kênh tin tức, tài liệu mầm non trực thuộc công ty TNHH Thiết bị vui chơi Phú Long

Chị Mai Anh cho rằng chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam hiện nay là rất tiên tiến, theo đúng xu hướng giáo dục thế giới nên các mẹ không phải lo lắng khi cho con đi học tại các trường công lập. Các mẹ trái lại cần thận trọng khi chọn trường áp dụng những phương pháp giáo dục mới vì có thể chính người đào tạo cũng chưa nắm rõ về chương trình mình đang áp dụng lên trẻ. Điều quan trọng nhất với giáo dục mầm non vẫn là yếu tố con người. Nếu bé may mắn có được cô giáo thương yêu, tận tâm thì dù học trường làng cũng là rất tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *