dao-tao-mam-non-khong-duoc-cap-phep

Đào tạo mầm non không được cấp phép

Bài viết nổi bật Tin tức mầm non

Chỉ được cấp phép đào tạo ngành sư phạm mầm non ở tại địa phương nhưng một số trường trung cấp lại chiêu sinh và đào tạo ở khắp nơi.


Xem thêm:

Đề xuất chính sách thu hút thêm giáo viên mầm non

Bộ GD&ĐT khẳng định chưa cấp phép cho lớp học “kích hoạt não” nào hết


Chỉ học 2 học kỳ chính

Trường trung cấp (TC) Tổng hợp Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành sư phạm mầm non ở Hà Nội, tuy nhiên, trên rất nhiều trang mạng, trường này quảng bá tuyển sinh lấy địa chỉ đào tạo ở rất nhiều tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM.
Tại TP.HCM, cơ sở đào tạo thay đổi liên tục. Có lúc trường quảng cáo học viên sẽ học tại Trường TC nghề Bình Thạnh, lúc thì ở một địa chỉ trên đường Phan Văn Đối, Hóc Môn, có lúc tại số 450 Lê Văn Việt, Q.9 rồi các cơ sở tại các quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp. Hiện trường đang có các lớp học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng, Q.Bình Thạnh.
Đào tạo mầm non không được cấp phép
Ngoài tuyển sinh và đào tạo hệ chính quy, trường còn nhận rất nhiều học viên học theo hình thức văn bằng 2. Điều đáng lưu ý là mọi học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp từ TC nghề, TC chuyên nghiệp trở lên của các chuyên ngành đào tạo khác đều có thể đăng ký học với thời gian đào tạo chỉ 10 tháng, mỗi tuần chỉ học vào thứ bảy, chủ nhật. Nhân viên ghi danh tên Huệ tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng cho biết: “Học viên sẽ chỉ phải học 2 học kỳ chính và một kỳ ôn thi tốt nghiệp, với tổng học phí hơn 10 triệu đồng. Giáo viên được mời từ Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM”.
Trường TC miền Đông (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng tuyển sinh và đào tạo ngành sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học ở rất nhiều cơ sở tại TP.HCM như quận Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Q.2, Q.9, H.Hóc Môn, tùy nhu cầu người học muốn học ở đâu. Một nhân viên tuyển sinh cho hay nếu đã tốt nghiệp một trường TC, bất kể ngành gì, thì sẽ chỉ phải học trong vòng 12 tháng là có bằng với mức học phí học kỳ 1 là 3,85 triệu đồng, học kỳ 2 là 4,25 triệu đồng. Với học sinh tốt nghiệp THPT thì học 4 học kỳ và chỉ đóng 3,5 triệu đồng/học kỳ.

Liên tục vi phạm

Ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Cả 2 trường TC trên đều chưa có văn bản xin phép nào để được đào tạo tại TP.HCM. Đối với Trường TC Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi đã nắm được tình hình và đi kiểm tra cách đây nửa tháng, sau đó báo cho địa phương xử lý, đồng thời yêu cầu họ làm văn bản giải trình nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được. Không ngờ họ vẫn tiếp tục chiêu sinh và đào tạo. Lần này chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay, yêu cầu dừng ngay hoạt động đào tạo không phép này”.
Về việc tham gia giảng dạy tại các trường này, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi không hề biết có việc này, vì họ không làm việc với trường. Nếu có chuyện họ nói giảng viên của chúng tôi qua đó dạy thì một là mời với tư cách cá nhân, hai là họ quảng cáo để thu hút người học”.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT, việc quảng cáo chỉ học 10 tháng đã có bằng là “chưa chuẩn”. Ông Vinh khẳng định: “Với người tốt nghiệp TC nghề, TC chuyên nghiệp của bất cứ ngành nào mà chỉ học 10 – 12 tháng đã có bằng là chưa chuẩn. Với những người học ngành như công nghệ thông tin, kế toán, điện tử… mà đi học ngành này thì ít nhất cũng phải học 3 học kỳ. Việc đào tạo ở địa phương khác không có phép thì cần phải xử lý nghiêm, đồng thời cần cảnh báo người học về chất lượng đào tạo không đảm bảo ở những cơ sở “chui” như thế này”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *