Cuộc sống hiện đại hóa công nghiệp hóa khiến mọi người đều đổ dồn đến sống ở các khu công nghiệp là một lẽ tất yếu. Nhưng việc công nhân tăng cũng kéo theo lượng con em của công nhân cũng tăng theo đó dẫn tới bài toán về quá tải trường mầm non và nhiều cấp học khác cũng được đưa ra để tìm phương pháp thích hợp.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có 324 trường Mầm non, trong đó 225 trường công lập, 99 trường tư thục, hơn 1.000 nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với các nhóm trẻ tư thục, số lượng trẻ là dưới 50 cháu; nếu trên 50 cháu phải thành lập trường Mầm non. Trong khi đó, Đồng Nai hiện có khoảng 130 nhóm trẻ tư thục với số lượng trên 200 trẻ/nhóm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp cho biết thêm, hiện nay, việc phát triển mạng lưới trường Mầm non công lập chủ yếu được định hướng theo địa giới hành chính cấp xã, phường để huy động trẻ em trên địa bàn, trong khi đó vẫn chưa có định hướng phát triển trường lớp gắn với các khu công nghiệp.
Mặt khác, do điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, hầu hết các trường Mầm non công lập không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi trong các trường Mầm non công lập rất ít. Vì vậy, phần lớn trẻ dưới 12 tháng tuổi và dưới 36 tháng tuổi, trong đó có trẻ là con công nhân phải gửi vào các nhóm trẻ tư thục.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây, tỉnh Đồng Nai phản ánh tình trạng, do hoàn cảnh ở xa quê, nhiều lao động nữ sau khi lập gia đình, có con nhỏ, hết thời gian nghỉ thai sản gặp nhiều khó khăn khi gửi con để đi làm. Trong khi đó, các trường Mầm non công lập thường ưu tiên nhận trẻ là con em người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhận trẻ độ tuổi từ 24 -27 tháng, không nhận trẻ độ tuổi từ 6-12 tháng. Do vậy, một số công nhân phải gửi con ở những cơ sở nhận giữ trẻ theo hộ gia đình với mức phí cao, cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc trẻ không đảm bảo.
Theo đánh giá, đối với các nhóm trẻ có quy mô nhỏ (dưới 10 trẻ) và những nhóm trẻ chưa cấp phép, đa số người giữ trẻ có trình độ chuyên môn thấp, thiếu kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong quá trình chăm sóc, giáo dục dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, hệ thống trường Mầm non, đặc biệt tại các khu công nghiệp không đáp ứng yêu cầu cho trẻ Mầm non, chủ yếu là do vướng mắc về thủ tục đất đai. Theo đó, để xây dựng một trường Mầm non, khu đất xây dựng trường phải được phê duyệt quy hoạch đất phục vụ mục đích giáo dục.
Hiện nay, chưa có sự ràng buộc đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương, đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn công nhân là phải xây trường mẫu giáo cho con em người lao động. Hiện Đồng Nai mới có 3 doanh nghiệp đã xây trường Mầm non cho con em công nhân, đó là Tập đoàn Phong Thái (2 trường), Công ty Teakwang Vina và Công ty Pouchen.
Trước những khó khăn và áp lực đối với hệ thống giáo dục Mầm non, đặc biệt tại các khu công nghiệp trên địa bàn, tại kỳ họp cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động.
Việc hỗ trợ này thực hiện theo “Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Đồng Nai sẽ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, sửa chữa, tăng cường khu vệ sinh, khu vực bếp ăn; hỗ trợ một phần kinh phí trang thiết bị dạy học, thiết bị đồ chơi cho trẻ …. để đảm bảo công tác dạy học; tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 17 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường, lớp Mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, cần có những quy định yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư phải thành lập nhà trẻ, trường Mầm non cho con em công nhân để vừa đảm bảo chế độ làm việc theo ca, vừa tạo sự an tâm trong sản xuất cho người lao động.