Sức lan tỏa từ những buổi học theo dự án

Sức lan tỏa từ những buổi học theo dự án

Tin tức mầm non
Học theo dự án nghe thì có vẻ không khả thi ở Việt Nam nhưng nó đã được thực hiện. Một bài học có thể kết nối giáo viên nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Học sinh được tiếp thu kiến thức không có trong sách vở. Mọi quy định về thời gian, không gian lớp học đều bị phá vỡ…

Học sinh khối 4, 5 Trường Tiểu học Phùng Hưng trong một chuyến đi thực tế  khi tham gia dự án “Sài Gòn, đi để yêu”

Học sinh khối 4, 5 Trường Tiểu học Phùng Hưng trong một chuyến đi thực tế khi tham gia dự án “Sài Gòn, đi để yêu”

Một bài học có thể kết nối giáo viên nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Học sinh được tiếp thu kiến thức không có trong sách vở. Mọi quy định về thời gian, không gian lớp học đều bị phá vỡ. Đó là 3 trong số những điểm nổi bật của các tiết dạy học theo dự án – phương pháp dạy học mới đang được Sở GD-ĐT TPHCM triển khai, mở rộng tại các trường phổ thông.

Học mà chơi, chơi mà học

Chia sẻ với chúng tôi về dự án “Sài Gòn, đi để yêu” vào sáng 16-1, cô Nguyễn Kim Hải My, giáo viên Anh văn – Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11), cho biết: “Xuất phát từ một bài dạy môn tiếng Anh khối 5 giới thiệu về hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình), tôi đã thực hiện một khảo sát nhỏ về thói quen du lịch của học sinh. Kết quả cho thấy, các em hiểu biết rất nhiều về các địa danh nước ngoài, nhưng khi hỏi về những điểm đến nổi bật của TPHCM thì không phải học sinh nào cũng biết. Từ thực tế đó, tôi nảy ra ý tưởng thực hiện một dự án với mong muốn đem Sài Gòn đến gần hơn với tất cả mọi người”.
Dự án được thực hiện qua 3 giai đoạn: Khảo sát thói quen sinh hoạt cuối tuần của học sinh; hướng dẫn các em một số kỹ năng về sử dụng phần mềm vi tính thiết kế tờ rơi, giao tiếp bằng tiếng Anh; cuối cùng là tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế tại một số điểm đến quen thuộc ở TPHCM như Bến Nhà Rồng, Hội trường Thống Nhất, Công viên 30-4, Đường sách Nguyễn Văn Bình, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu ẩm thực dưới lòng đất ở Công viên 23-9… Đến mỗi địa danh, học sinh sẽ ghi chép những thông tin cần thiết như vị trí địa lý, phương tiện di chuyển, giá vé, nét văn hóa đặc sắc. Sau đó, các em dùng vốn tiếng Anh được học ở trường để viết ra những bài giới thiệu, quảng bá du lịch TPHCM tới mọi người. Hiện nay, dự án không chỉ thu hút học sinh trong trường tham gia, mà còn nhận được sự đồng hành của hơn 20 giáo viên đến từ nhiều trường tiểu học ở TPHCM và Hà Nội, tạo ra sân chơi giao lưu lớn về tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học.
Tương tự, khi thực hiện dự án “Cho em tuổi thơ”, cô Võ Thị Như Nhi, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), tâm niệm rằng tuổi thơ của một đứa trẻ, ngoài việc học cần có thêm những trò chơi tinh thần bổ ích. Cô chia sẻ: “Trước khi triển khai dự án, tôi đã thực hiện khảo sát trên 300 học sinh trong trường về trò chơi dân gian. Kết quả, hơn 30% học sinh chưa từng tiếp xúc trò chơi dân gian, 100% học sinh mong muốn có góc trò chơi dân gian trong trường”.
Trước đây, vào mỗi giờ ra chơi, học sinh chỉ chạy giỡn, đến căn tin mua đồ ăn hoặc ngồi chơi tại lớp, nhưng từ khi dự án được triển khai, các em háo hức hòa mình vào các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, banh đũa, ô ăn quan, cướp cờ, chi chi chành chành…
Ngoài ra, các em còn được tham gia nhiều hoạt động tập thể như vẽ tranh ảnh, làm lịch, trang trí áo dài, sáng tác đồng dao, lồng ghép trò chơi dân gian vào môn học Toán. Trên fanpage của dự án, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ví von dự án như một tấm vé, giúp học sinh có cơ hội trở về “ga tàu” tuổi thơ, sống đúng với lứa tuổi của các em. Qua đó, còn giúp cha mẹ, con cái gần gũi nhau hơn qua các trò chơi đòi hỏi đầy đủ thành viên trong gia đình cùng tham gia, giúp trẻ giảm bớt thời gian coi ti vi, chơi game qua iPad, điện thoại.
Dự án đã thu hút sự quan tâm của nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, ngoài ra còn có sự “đặt hàng ý tưởng” từ một đơn vị ở tỉnh Tiền Giang. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi như giới thiệu về làng nghề, sáng tạo trò chơi dân gian ứng dụng vào học tập…

Trưởng thành hơn qua những giờ hoạt động

Sau hơn 3 tháng “ăn, ngủ” cùng dự án “Trong tiếng Việt, sáng hồn Việt” do cô Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên Tổ Ngữ văn – Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), thực hiện, Trần Phương Thùy, học sinh lớp 12A5, cho biết: “Em tham gia nhóm sân khấu. Tuy chỉ đảm nhận một vai diễn nhỏ trong vở kịch ngắn nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng qua đó cũng giúp em học hỏi thêm nhiều điều. Ngoài việc không nên sử dụng tiếng Anh một cách bừa bãi, em còn học được cách làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và giao tiếp hiệu quả”. Đồng suy nghĩ, Phan Kiều Duyên, một thành viên nhóm kinh doanh, chia sẻ: “Trước đây, em chưa bao giờ nghĩ mình có thể tạo ra một sản phẩm có tính ảnh hưởng xã hội. Nhưng từ khi cùng các bạn bắt tay vào thực hiện dự án, tụi em đã hợp sức tạo ra mô hình trò chơi thiên tài văn học, dành cho lứa tuổi học sinh tiểu học. Bộ trò chơi mô phỏng trò cờ tỷ phú, qua đó giúp người chơi hệ thống lại kiến thức về ca dao, tục ngữ, các bài đồng dao quen thuộc của dân tộc”.
Chia sẻ về phương pháp dạy học mới mẻ này, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11), cho biết trường có sân chơi nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của học sinh. Do đó, nhiều năm qua, trường đã đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ, trong đó có việc triển khai các dự án dạy học theo hình thức trải nghiệm, sáng tạo để qua đó tạo thêm sân chơi cho học sinh, giúp các em có cơ hội học tập, trau dồi thêm hiểu biết từ thực tế cuộc sống.
“Qua mỗi chuyến đi, tôi cảm nhận được sự dạn dĩ, tự tin và trưởng thành hơn từ học sinh, những điều mà sách vở không thể dạy cho các em một cách đầy đủ”, vị hiệu trưởng bày tỏ.
Blogmamnon.net sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *