Nhiều phụ huynh có con học tại trường mầm non thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) phản ánh, ngay từ buổi đầu nhập học cho con, phụ huynh đã phải nộp nhiều khoản thu vô lí.
Cụ thể, ngoài những khoản bắt buộc, nhà trường còn thu các khoản như: mua chăn 100.000 đồng/học sinh (Đ/hs), học sinh cũ vẫn phải đóng như học sinh mới. Bên cạnh đó là các loại quỹ như quỹ lớp 150.000đ/hs, quỹ phụ huynh 150.000đ/hs, quỹ tổng hợp 150.000đ/hs…
Bản dự kiến chi của nhà trường liệt kê hàng loạt khoản cần mua sắm và sửa chữa
Các phụ huynh còn bức xúc cho rằng, mặc dù đã đóng 120.000 đồng/hs/tháng tiền phục vụ bán trú nhưng ai đăng ký cho con ăn sáng ở trường lại phải đóng thêm 100.000 đồng tiền phục vụ ăn sáng.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, nhiều khoản thu dưới hình thức tự nguyện xã hội hóa nhưng nhà trường lại quy định mức thu cụ thể. Khoản thu xã hội hóa được nhà trường phân loại học sinh trong tuyến và học sinh ngoài tuyến để buộc phụ huynh phải đóng. Cụ thể, học sinh trong tuyến 200.000đ/hs, học sinh ngoài tuyến 500.000đ/hs.
Ngoài ra, tiền sách vở, đồ dùng học tập năm nào học sinh cũng phải đóng không phân biệt học sinh cũ, học sinh mới.
Nhà trường dự kiến, tổng số tiền và hiện vật quy sang tiền cần vận động là hơn 76 triệu đồng. Trong đó, trường liệt kê hàng loạt hạng mục cần chi sửa chữa như làm mái tôn, mua ghế, mua giường ngủ mầm non cho học sinh…
Một phụ huynh bức xúc cho hay: “Nhà trường nói rằng xã hội hóa là tự nguyện, nhưng chúng tôi có được bàn bạc gì đâu. Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo cứ thông báo mức thu từng khoản rồi phụ huynh biết thế mà đóng thôi. Riêng cái khoản bàn ghế mầm non, cái sạp giường, chăn của các cháu năm nào cũng phải đóng. Làm gì có chuyện đồ dùng nhanh hỏng đến mức phải mua mới liên tục như vậy”.
“Đồ dùng học tập, sách vở năm nào cũng phải mua, phải đóng tiền hơn 310 nghìn đồng, thế nhưng cũng chỉ có vài cuốn. Trong khi ngoài thị trường cũng có bán, nhưng nhà trường vẫn bắt buộc phụ huynh phải mua ở trường với giá đắt. Ngay từ lúc con vào buổi đầu đến lớp, chúng tôi đã phải đóng 3,6 triệu đồng, chưa kể tiền ăn”, một phụ huynh khác nói.
Trước những ý kiến bức xúc của phụ huynh, bà Cao Thị Hường, Hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Rừng Thông thừa nhận, đúng là nhà trường đã tạm thu của học sinh 1 triệu đồng khi bắt đầu năm học để chi trả các khoản cần thiết và thu các khoản tiền sách vở, đồ dùng học tập, tiền phục vụ ăn sáng.
“Tiền phục vụ ăn sáng nhà trường không bắt buộc, ai có con ăn sáng ở trường thì đóng, không thì thôi. Còn tiền sách vở và đồ dùng học tập, số sách vở này nhà trường lấy từ Phòng giáo dục về cho học sinh, mặc dù ngoài thị trường có bán nhưng không chuẩn theo nhà xuất bản của Bộ giáo dục”, bà Hương phân trần.
Liên quan đến các khoản thu quỹ lớp, quỹ tổng hợp, tiền xã hội hóa, bà Hương phủ nhận và cho rằng, riêng khoản xã hội hóa, nhà trường chỉ kêu gọi sự tự nguyện, chứ không bắt buộc. Còn quỹ lớp thì không có.
“Nhà trường cấm thu quỹ lớp vì đã có quỹ hội phụ huynh rồi”, bà Hương khẳng định.
Thời gian vừa qua, tại địa bàn Thanh Hóa liên tục xảy ra các vấn đề về lạm thu. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều chỉ đạo siết chặt tình trạng thu chi ở các trường học. Trước đó, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), Hiệu trưởng trường tiểu học Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cũng bị xử phạt mỗi người 10 triệu đồng vì thu tiền trái quy định.
Blomamnon.net sưu tầm