tui-phan-cho-giao-vien-pho-thong-chuyen-xuong-day-mam-non

Tủi phận cho giáo viên phổ thông chuyển xuống dạy mầm non

Bài viết nổi bật Tin tức mầm non

Blogmamnon – Do đào tạo dư thừa mà nhiều giáo viên sư phạm các cấp phổ thông bất đắc dĩ bị “điều” xuống dạy mầm non. Dù là giải pháp tình thế nhưng không ít giáo viên ngậm ngùi học chuyên ngành phổ thông các cấp, ra trường lại đi trông trẻ.


Xem thêm:

Dư thừ giáo viên phổ thông phải chuyển xuống dạy mầm non

Cần thận trọng khi chuyển giáo viên phổ thông sang dạy mầm non


Tủi phận cho giáo viên phổ thông chuyển xuống dạy mầm non

Ngậm ngùi làm “cô nuôi dạy trẻ”

Những năm gần đây, tình trạng dư thừa giáo viên ở nhiều cấp học cho thấy bài toán “đau đầu” trong ngành giáo dục và đào tạo tại các địa phương. Theo lý giải của ngành giáo dục, tình trạng thừa – thiếu luôn mất cân đối ở nhiều tỉnh, thành nguyên nhân do việc đào tạo tràn lan, cung vượt cầu. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng ồ ạt giáo viên xảy ra ở một số nơi khiến nhiều giáo viên buộc phải làm công việc khác, thậm chí điều chuyển sang dạy cấp học khác.

Vừa qua, tại một số địa phương như: Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An dư thừa nhiều giáo viên bậc học mầm non, tiểu học. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư (chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn) xuống dạy bậc học mầm non. Việc điều chỉnh giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non ngoài việc không đảm bảo về chất lượng chuyên môn, còn khiến cho tâm lý các giáo viên bị ảnh hưởng và chưa thực sự yên tâm công tác.

Từng trải qua cảm giác học sư phạm tiếng Anh nhưng do khó khăn trong xin việc mà phải “ngậm ngùi” đi học thêm chứng chỉ để dạy học mầm non, cô Thanh Hoa, giáo viên mầm non ở Hà Nội chia sẻ, công việc dạy ở bậc mầm non rất vất vả, chỉ học chứng chỉ nên lúc đầu rất bỡ ngỡ vì trước đây đã từng đi dạy cấp THCS. Tuy nhiên, vì khó xin việc nên cô Hoa đành chấp nhận thực tế này vì ở bậc mầm non một số nơi tuyển dụng nhiều.

“Mới đầu cũng sốc lắm, đang dạy học cấp THCS các em ấy đã có ý thức, biết tiếp thu ý kiến. Dù sao cũng được dạy đúng chuyên môn, sở trường của mình. Hồi đi học sư phạm, chưa bao giờ nghĩ đến lúc ra trường lại đi đổ bô, bón cháo cho học sinh như bây giờ. Phải mất mấy tháng đầu “khủng hoảng”, lớp học đông, học sinh hiếu động cào, cấu nhau liên tục. Tối về, chưa kịp ăn cơm thì liên hồi điện thoại của phụ huynh hỏi han, trách cứ vì sao con bị xước xát, bị đói. Bây giờ cũng đỡ hơn vì quen việc, quen áp lực”, cô Hoa tâm sự.

Bộ Giáo dục “tuýt còi”

Chứng kiến cảnh nhiều giáo viên mất việc, bị điều chuyển làm tạp vụ, hay đang từ bậc phổ thông xuống dạy mầm non, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, đó là một sự bất hợp lý và không đâu có sự điều chuyển như nước ta. “Ở bậc học mầm non, yêu cầu đối với giáo viên là phải hiểu biết thật sâu sắc đối với tâm lý của trẻ. Tôi cho rằng, điều chuyển toàn bộ số lượng giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non có thể gây ra nhiều bất cập khi thực tế sẽ phát sinh rất nhiều tình huống ảnh hưởng tới chất lượng của bậc học này”.

Còn theo các nhà quản lý giáo dục, thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc xảy ra ở bậc học mầm non, đa số vụ việc đều xuất phát từ giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm và đặc biệt là chưa “đạt chuẩn”. Trong khi giáo viên mầm non được đào tạo chính quy vẫn còn khó đạt yêu cầu bậc học thì những giáo viên bậc học khác chỉ bồi dưỡng ngắn hạn thì làm sao có thể đủ khả năng đứng lớp, xử lý hàng ngày những tình huống đặc thù chỉ xảy ra ở lứa tuổi mầm non. Chưa kể, tâm lý giáo viên không yên tâm, không tận tâm với nghề sẽ không thể đảm bảo yếu tố chuyên môn, đạo đức.

Trước sự việc này, Bộ GD&ĐT đã chính thức lên tiếng yêu cầu các địa phương chấm dứt việc này. Theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do tuyển dụng chưa hợp lý. Bộ nhấn mạnh, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định giáo dục. Mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển sinh những người không đáp ứng được những yêu cầu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên mầm non, bao gồm năng khiếu nghệ thuật như mỹ thuật, hát nhạc, kể chuyện. Ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, đảm bảo điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể đảm bảo chuẩn đầu ra cho giáo viên mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo.

Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho thấy, hiện nay cả nước đang thừa 26.750 (tiểu học: 3.194, THCS: 21.005, THPT: 2.551) giáo viên. Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, THCS: 2.799, THPT: 1.794). Các tỉnh có số lượng giáo viên cấp THCS dư nhiều như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Bắc Giang 1.921, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP.HCM 1.195. Một số tỉnh thiếu giáo viên tiểu học như: TP Hà Nội 2.696, Sơn La 1.133, Gia Lai 1.196…

Tin tức mầm non sưu tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *