cau-chuyen-co-giao-mam-non-xuat-sac-tu-16-nam-lam-quan-ly

Câu chuyện cô giáo mầm non xuất sắc từ 16 năm làm quản lý

Ảnh đẹp mầm non Bài viết nổi bật Chưa được phân loại Tin tức mầm non

GD&TĐ – 16 năm trên cương vị quản lý mới trực tiếp đứng lớp, quá trình làm nghề của cô Phạm Thị Vân (Trường mầm non Lương Quới, Giồng Trôm, Bến Tre) có vẻ hơi lạ. Nhưng, 16 năm sau này, ở cương vị một cô giáo mầm non lại là thời gian cô Vân tự hào với mình nhất bởi hàng loạt thành tích xuất sắc từ phạm vi huyện, tỉnh đến toàn quốc.


Bài viết liên quan:

Cô giáo Phạm Thị Ngọc – yêu nghề mến trẻ

Nghề giáo viên mầm non có phải chỉ là làm người giữ trẻ


Ở nhiều vị trí, nhưng có “duyên” nhất với nghề dạy trẻ

Mọi người thường khó đoán được tuổi của cô Vân khi nhìn cô dạy trẻ bởi khuôn mặt luôn rạng rỡ thể hiện niềm say nghề thực sự. Bao nhiêu năm nay, trẻ yêu thích cô còn vì cách dạy đầy say mê, lôi cuốn; kể chuyện, hát múa, quản trò đều giỏi. Cô kể, niềm say mê ấy được nuôi dưỡng từ khi cô còn rất nhỏ và trở thành hiện thực vào năm 1985, khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung Ương 3 thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ đầu tiên khi bước vào nghề của cô khá nặng, đó là phụ trách chuyên môn khối mầm non của phòng GD&ĐT huyện Giồng Trôm.

Dù đã hơn 30 năm, cô Vân vẫn nhớ như in những khó khăn của giáo dục mầm non khi ấy: Đa số các lớp học đều mượn đình, chùa, bàn ghế không đủ phục vụ cho giảng dạy nên chưa hình thành được trường mẫu giáo độc lập; các lớp mẫu giáo chịu sự quản lý của trường tiểu học; chủ yếu giáo viên dạy trẻ hát múa hoặc có nơi chỉ giữ trẻ đến hết giờ là về. Vì thế, phụ huynh đưa trẻ đến trường với tỉ lệ rất thấp.

Ở vị trí đó trong 7 năm, cô cán bộ trẻ đã trăn trở rất nhiều. Quyết tâm của cô thể hiện bằng những chuyến xuống cơ sở rất thường xuyên để nắm bắt tình hình, khó khăn của giáo viên để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

“Tôi đã vận dụng mọi kiến thức mình được học, cùng sự chỉ đạo của các cấp, học hỏi bạn đồng nghiệp, phối hợp với điều kiện thực tế tại địa phương… để có thể làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo Ngành, xây dựng cơ sở vật chất, mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong huyện. Thành quả của những nỗ lực đó là duy trì được trường lớp, tỉ lệ trẻ ra lớp nhiều hơn, ý thức của phụ huynh về ngành học mầm non cũng được nâng lên” – cô Vân tâm sự.

Do yêu cầu công việc, năm 1992, cô Vân được chuyển về công tác tại Trường tiểu học Lương Quới với chức vụ Phó hiệu trưởng. Năm 1993, cô trở thành hiệu trưởng Trường mầm non Lương Quới khi trường này được tách ra từ trường tiểu học.

Môi trường mới nhiều khó khăn, lạ lẫm, nhưng cũng trong thời gian này, không những thực hiện được mong muốn tiếp tục nâng cao trình độ, cô Vân còn thực hiện rất tốt nhiệm vụ, liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở; được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ngôi trường cô tham gia quản lý cũng đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc, có giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Bước ngoặt trong công việc đến với cô Vân bắt đầu từ năm học 2001- 2002 khi được chuyển sang dạy lớp ngay tại trường mầm non đang công tác với vai trò quản lý. 16 năm trong nghề nhưng không trực tiếp đứng lớp nên chắc chắn có rất nhiều bỡ ngỡ. Với năng khiếu mầm non bẩm sinh, niềm say nghề thực sự, sau một thời gian, cô Vân đã trở thành gương mặt giáo viên mầm non sáng giá của tỉnh với hàng loạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh rồi cấp toàn quốc.

Năm học 2016-2017, cô được ngành Giáo dục huyện Giồng Trôm, Sở GD&ĐT Bến tre xét tăng danh hiệu nhà giáo ưu tú, gửi hồ sơ về cấp cao hơn. Đó tiếp tục là sự ghi nhận với những nỗ lực, đóng góp của cô Phạm Thị Vân với giáo dục mầm non.

Câu chuyện cô giáo mầm non xuất sắc từ 16 năm làm quản lý

Bí quyết là học hỏi không ngừng

Hơn 31 năm trong nghề, một nửa thời gian đó làm công tác quản lý, nửa còn lại trực tiếp đứng lớp, cô Vân đều thành công. Bí quyết của cô rất đơn giản, đó là sự cần mẫn, chăm chỉ, luôn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn không ngừng.

“Tôi luôn tâm niệm, người giáo viên phải gương mẫu, nhất thiết phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, trung thực, có ý thức nâng cao chất lượng giờ dạy, hiện tốt đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, tham gia sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề thông qua dự giờ và chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy với đồng nghiệp trong và ngoài trường.

Trong phong trào thi đua của trường, tôi luôn hưởng ứng để làm phong trào cho bạn đồng nghiệp cùng phấn đấu vươn lên” – cô Vân chia sẻ.

Hiện nay, với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô Vân cho biết mình luôn chú trọng tổ chức thảo luận trong tổ về những khó khăn trong chuyên môn, biểu dương giáo viên có tiết dạy hay, làm đồ dùng đẹp; rút kinh nghiệm hồ sơ sổ sách để giáo viên trong tổ cùng tiến bộ; động viên khích lệ giáo viên làm chưa tốt phấn đấu nhiều hơn nữa…

Tâm đắc với quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, cô Vân cho rằng, đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trong mọi hoạt động giáo dục trẻ trong trường mầm non để đảm bảo việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non có hiệu quả. Mọi hoạt động đều hướng tới từng trẻ cũng như từng nhóm trẻ để tạo cơ hội cho trẻ được học tập trong điều kiện cụ thể nhằm hỗ trợ trẻ phát triển ở tất cả các lĩnh vực.

“Nhiều người hỏi bí quyết nào giúp tôi gắn bó với nghề trong hơn 31 năm, tôi chỉ có một câu trả lời đơn giản, đó là lòng yêu nghề, mến trẻ. Không chỉ tôi, bất cứ giáo viên mầm non nào cũng cần điều này để giữ được tình yêu với ngành học đầy khó khăn này” – cô Vân tâm sự.

Một số thành tích của cô Phạm Thị Vân:

Đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm liền, từ năm học 2003-2004 đến năm học 2016-2017; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 4 chu kỳ liên tục, 1 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp mầm non toàn quốc.

Liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học 2003-2004 đến năm học 2015-2016; 3 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh;

3 lần nhận Bằng khen UBND tỉnh; Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm học 2011-2013; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2010-2015; nhiều Bằng khen Liên đoàn lao động tỉnh…

Tin tức mầm non sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *