Không phải ai sinh ra cũng may mắn sống trong tình yêu thương của cha mẹ với điều kiện vật chất đủ đầy mà đâu đó vẫn còn rất nhiều trẻ em phải sống cuộc sống nghèo khổ việc được ăn no mỗi ngày cũng là niềm mơ ước của các em rồi nói gì tới chuyện mơ ước tới con chữ. Nhưng cuộc đời vẫn còn nhiều lắm những người có tấm lòng, một lớp học tình thương giữa xóm nghèo quả là niềm vui niềm hạnh phúc của trẻ khi người làm điều ấy lại chính là một cựu chiến binh.
Lớp học tình thương giữa xóm nghèo
Do “mọc lên” giữa xóm nghèo nên LHTT của ông Thời không thể đẹp, khang trang như những ngôi trường điểm. Lớp chỉ rộng khoảng 25 mét vuông; xung quanh được dựng bằng những tấm tôn cũ kỹ; khung và nền nhà, bàn ghế cho trẻ học tập đều xuống cấp… Ông Thời kể: “Năm 1995, về địa phương sinh sống, tôi thấy nhiều cháu trong xóm còn dốt chữ. Các cháu lang thang không người chăm sóc, dạy bảo rồi có cháu vi phạm pháp luật… Tôi là lính Cụ Hồ, thấy như thế không chịu được, hơn nữa Bác Hồ rất quyết liệt trong công tác diệt “giặc dốt”. Từ những trăn trở này, tôi bàn với lãnh đạo xóm, phường rồi quyết định mở LHTT này từ năm 1995”.
Theo ông Thời, ban đầu lớp chỉ có 3 học sinh (HS). Ông phải dùng tiền lương mua bánh kẹo, sách vở… dụ các cháu đến học; rồi dạy kỹ năng sống. Dần dà phụ huynh tin tưởng nên cho con em đến học. Sau một năm, sĩ số lớp học tăng lên 10, 20 rồi 50 em. Khi sĩ số lớp học được hai con số, ông Thời đến gặp một người bạn là đồng đội năm xưa (nay đang là linh mục ở TP.Long Xuyên) nhờ tìm người đứng lớp. Từ mối liên hệ này, lớp học được một nữ tu sĩ đến giảng dạy (khi nữ tu sĩ này về hưu đã giới thiệu cô Thủy đến đứng lớp cho tới nay).
Ông Thời chia sẻ: “Các cháu đang theo học phần lớn là con em người dân lao động nghèo từ Campuchia và một số tỉnh khác như Trà Vinh, Sóc Trăng… về đây thuê nhà trọ, bán vé số, phụ hồ… sinh sống. Do bận việc mưu sinh, đến đây không có giấy tờ nên việc học hành của con em họ gần như… để đó. Khi chính quyền vận động họ về quê làm giấy tờ thì các cháu đã quá tuổi vào lớp 1 nên chúng tôi gom các cháu về đây dạy chữ, dạy làm người tốt”.
Để duy trì lớp học, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương về cơ sở vật chất, ông Thời và các giáo viên đứng lớp tích cực vận động các nhà hảo tâm để lo sách vở, quần áo… cho HS. Nhiều lúc, ông Thời và các cô giáo bỏ tiền túi để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tặng bánh kẹo để “giữ chân” HS.
Hơn 20 năm thầm lặng “đưa đò”
Hiện lớp học của ông Thời có từ 10 – 20 HS. Do không có cơ sở rộng rãi, HS từ lớp 1 đến lớp 5 học chung một lớp (từ 7h30 đến 10h hàng ngày). Thời gian gần đây, khi biết thông tin về LHTT của ông Thời, nhiều sinh viên Trường Đại học An Giang đến tham gia hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho HS.
Cô giáo tương lai Cao Thị Chúc Ly – sinh viên năm cuối ngành Sư phạm tiểu học, Trường Đại học An Giang – chia sẻ: “Mỗi HS ở đây là một hoàn cảnh, có em còn cha thì mẹ bỏ đi hoặc ngược lại. Có em theo cha mẹ từ Trà Vinh, Sóc Trăng và cả Campuchia về đây thuê nhà trọ sinh sống bằng nghề bán vé số, phụ hồ… Thiếu sự quan tâm dạy dỗ, chăm sóc của người lớn (do cha mẹ chạy lo cái ăn) nên các em thiếu thốn nhiều thứ; nhất là chuyện học hành. Chính vì thế, bọn em đến đây, tiếp xúc với các em và không thể bỏ rơi các em được”. Theo Chúc Ly, cái khó khi dạy là các em rất tinh nghịch và bướng bỉnh. Người dạy phải thật kiên nhẫn mới “bám” lớp được. Từ sự uốn nắn của cô Thủy, chú Thời…, các em đã ngoan ngoãn, lễ phép với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất lớp học đang xuống cấp, không có chỗ vệ sinh. Lúc cần “giải quyết”, các em phải chạy về nhà nên lớp học hay bị gián đoạn.
Cháu Phan Thị Thùy Mi – học lớp 2 – kể: “Mẹ cháu bỏ đi, cha cháu đi làm hồ. Chị cháu cũng đi phụ việc cho một quán bán nước mía. Cháu rất thích được đi học, muốn sau này trở thành cô giáo để dạy chữ cho các bạn khác như cô Thủy, cô Ly”. Còn cháu Võ Thanh Đạt – đang học lớp 4, nói: “Nhà cháu nghèo lắm, cha cháu đi bán trái cây lo cho 4 anh em. Cháu muốn đến trường lắm, cha cháu bảo đến đây học. Nhưng học ở đây cháu chỉ được học đến lớp 5 là phải nghỉ học như anh cháu!”.
Ông Thời cho biết, LHTT này chỉ dạy chữ cho các cháu đến lớp 5, sau đó giới thiệu những chỗ dạy nghề để các cháu có thể vừa học chữ, vừa học nghề. Cháu nào muốn học tiếp thì đăng ký học bổ túc. Hiện có vài cháu đang làm dân quân tự vệ tại phường.
Blogmamnon.net sưu tầm